Tiếp thị liên kết là gì? 5 bước kiếm tiền với tiếp thị liên kết
Bạn đã từng làm rất nhiều công việc online nhưng vẫn chưa kiếm được tiền hoặc kiếm được rất ít so với công sức bạn bỏ ra? Bạn làm các app trên mobile, các website xem quảng cáo, các hình thức giới thiệu thành viên đa cấp,… nhưng đến lúc rút tiền thì lại không được duyệt?. Bạn có thể đang sa đà vào các hình thức lừa đảo mang danh kiếm tiền online từ lúc nào không hay biết.
Trong bài viết này mình sẽ đề cập đến một lĩnh vực cụ thể của MMO đó là nghề tiếp thị liên kết, hay còn gọi là Affiliate Marketing. Một hình thức kiếm tiền online uy tín đang mang lại nguồn thu nhập thụ động cho rất nhiều người ở cả Việt Nam và trên thế giới.
Tiếp thị liên kết là gì?
Nếu bạn đang tìm kiếm 1 công việc kiếm tiền trên internet uy tín và dài hạn thì tiếp thị liên kết là một lựa chọn không thể bỏ qua.
Tiếp thị liên kết là hình thức bạn quảng bá sản phẩm cho một công ty, doanh nghiệp hoặc nhà cung cấp nào đó thông qua 1 đường link tiếp thị (affiliate link). Khi có người mua hàng thông qua đường link đó thì bạn sẽ nhận được hoa hồng.
Đường link này chứa mã tiếp thị hoặc một số thông tin khác để nhà cung cấp xác định người nào đang quảng bá cho sản phẩm của họ.
Ví dụ: khi mình đăng ký làm tiếp thị cho Unica- một nền tảng cung cấp khóa học trực tuyến tại Việt Nam, thì bên Unica sẽ cung cấp cho mình 1 đường link affiliate: https://unica.vn/?aff=560686 với 560686 là mã tiếp thị của mình.
Khi mình chia sẻ đường link này với người khác và người đó đồng ý mua khóa học thì mình sẽ được hưởng hoa hồng khoảng 40% giá trị của khóa học đó. Giả sử khóa học có giá 1 triệu thì mình sẽ được bên Unica trả 400 nghìn đồng.
Như vậy theo như những gì mình đề cập đến ở trên thì mô hình tiếp thị liên kết do 3 thành phần tạo nên, đó là: nhà cung cấp (còn gọi là Advertiser hay Provider), người làm tiếp thị liên kết (Publisher) và khách hàng.
Tuy nhiên để công việc tiếp thị liên kết được minh bạch, rõ ràng và tạo điều kiện sử dụng thuận lợi cho các Publisher thì đòi hỏi phải có hệ thống quản lý link tiếp thị: tạo, chỉnh sửa, theo dõi và phân tích link, phải có đội ngũ hỗ trợ riêng, phải có chính sách theo dõi, thống kê, thanh toán hoa hồng,…
Nếu nhà cung cấp tự cho ra chương trình tiếp thị liên kết của riêng mình thì sẽ phải kiêm thêm một số công việc bên trên ngoài phát triển sản phẩm, dịch vụ. Chính vì vậy 1 thành phần nữa ra đời đó là mạng tiếp thị liên kết (Affiliate Network) – nền tảng trung gian giữa nhà cung cấp và những người làm tiếp thị liên kết.
Ví dụ: sàn thương mại điện tử Lazada hợp tác với mạng tiếp thị liên kết Accesstrade để cho ra chương trình tiếp thị liên kết. Giả sử mức hoa hồng mà Accesstrade nhận được cho mỗi đơn hàng bán được là 30%. Khi các Publisher tham gia vào chương trình tiếp thị của Lazada trên Accesstrade sẽ được hưởng mức hoa hồng là 20%. Phần chênh lệch 10% thuộc về doanh thu của Accesstrade.
Một số mạng tiếp thị liên kết ở Việt Nam có thể kể đến như: Accesstrade, Adflex, Masoffer, Civi,… Ở nước ngoài thì có CJ, ClickBank, ShareASale,…
Tuy nhiên cũng có một số nhà cung cấp vấn có chương trình tiếp thị liên kết của riêng họ mà không cần đến các mạng tiếp thị liên kết, ví dụ như: Shopee, Amazon, Unica,…
Làm thế nào để tìm kiếm một chương trình tiếp thị liên kết.
Để tìm kiếm 1 chương trình tiếp thị liên kết về một sản phẩm hoặc một lĩnh vực nào đó thì cách dễ nhất là lên Google search với từ khóa: “tên sản phẩm/tên thương hiệu”+ affiliate.
Ví dụ mình muốn kiểm tra xem bên Unica có chương trình tiếp thị liên kết không thì mình sẽ Google search với từ khóa: Unica affiliate. Nếu công ty đó có chương trình tiếp thị liên kết thì kết quả tìm kiếm sẽ xuất hiện ngay đầu tiên.
Sau khi tìm thấy kết quả trên Google, bạn chỉ cần click vào website và làm theo hướng dẫn để có thể đăng ký một chương trình tiếp thị liên kết và bắt đầu kiếm tiền ngay. Tuy nhiên những chia sẻ của mình bên dưới chắc chắn sẽ giúp bạn rất nhiều nếu bạn là một người mới.
Làm tiếp thị liên kết có dễ không?
Trước khi đi vào các bước chi tiết để kiếm tiền thì mình sẽ cùng nhau đi tìm hiểu một số ưu điểm và nhược điểm của tiếp thị liên kết để xem rằng bạn có phù hợp với hình thức kiếm tiền này không nhé.
Ưu điểm
- Không cần chi phí để bắt đầu. Mình chưa từng gặp một chương trình tiếp thị liên kết có tính phí nào. Tất cả các chương trình tiếp thị hàng đầu như: Amazon, CJ, ClickBank, Shopee, Lazada,… đều miễn phí để tham gia. Nếu bạn thấy một bài đăng nào đó trên Facebook rằng bạn phải bỏ ra 299k hay 399k hay một số tiền nào đó để đăng ký 1 chương trình tiếp thị liên kết thì khả năng lừa đảo là 99,99%.
- Bán hàng mà không cần phải có sản phẩm, không phải lo ship hay hàng tồn kho. Việc duy nhất bạn phải làm đó là quảng bá đường link tiếp thị liên kết đến càng nhiều người càng tốt và làm sao thuyết phục họ mua hàng. Còn mọi vấn đề khác đã có nhà cung cấp lo.
- Có thể làm việc ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào ban muốn. Dù là bạn đang ở nhà hay đang trong một kỳ nghỉ mát thì bạn cũng có thể làm tiếp thị liên kết. Bạn chỉ cần 1 chiệc máy tính hoặc điện thoại có kết nối mạng là đủ. Thay vì phải đi làm từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều như những người làm văn phòng khác thì bạn có thể linh hoạt thời gian làm việc trong ngày.
- Là hình thức kiếm tiền online dễ tạo ra thu nhập nhất cho người mới. Nếu bạn chưa từng có bất cứ kỹ năng kiếm tiền trên internet nào thì bạn vẫn hoàn toàn có thể tạo ra những đồng tiền thu nhập đầu tiên từ tiếp thị liên kết.
- Tạo ra thu nhập thụ động. Thu nhập thụ động tức là nguồn thu nhập có được ngay cả khi bạn không làm gì như lúc đi chơi hay lúc ngủ. Tuy nhiên để đạt được điều này thì bạn cần phải nỗ lực rất nhiều.
Nhược điểm
Cần phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức để xây dựng được nguồn thu nhập ổn định với tiếp thị liên kết. Nếu bạn không phải là người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, không có nhiều người follow trên Facebook, TikTok, Instagram,.. , không có kênh Youtube hàng nghìn người đăng ký trở lên hay không có 1 website với lượng traffic tương đối hàng tháng thì chắc chắn rằng con đường tạo ra thu nhập thụ động với tiếp thị liên kết của bạn sẽ còn rất dài và khó khăn.
Điều quan trọng nhất để có thể kiếm tiền với tiếp thị liên kết một cách bền vững là bạn phải xây dựng được một kênh quảng bá cho riêng mình. Để làm được việc này thì bạn phải mất từ 4-6 tháng hoặc chậm hơn, cũng có thể là 1 năm. Trong thời gian đó bạn phải không ngừng học tập và làm việc nhưng số tiền nhận được lại cực thấp hoặc thậm chí bằng 0.
Cho nên việc bạn mới làm tiếp thị liên kết được 1 hoặc 2 tháng mà vẫn chưa nhận được hoa hồng, chưa bán được sản phẩm nào là điều hết sức bình thường. Do vậy một số bạn mới sẽ cảm thấy rất nản khi bắt đầu tham gia tiếp thị liên kết.
Cạnh tranh cao. Khi một công việc rất dễ để làm thì cũng đồng nghĩa với nó là sự cạnh tranh cao. Vì ai cũng thấy dễ nên cũng nhảy vào để làm và cuối cùng rất ít người có thể tạo ra thu nhập được từ tiếp thị liên kết.
Để có thể cạnh tranh được với những người làm tiếp thị liên kết khác, bạn phải có chuyên môn trong lĩnh vực, sản phẩm mà bạn quảng bá.
Theo cá nhân mình quan sát thì trong 10 người thì chỉ có khoảng 1 người, tức là 10% trong số đó tạo được thu nhập từ tiếp thị liên kết và có khoảng trên 50% trong số đó từ bỏ chỉ trong vòng vài ngày làm việc đầu tiên. Nói vậy để thấy rằng để có thể tạo ra thu nhập với tiếp thị liên kết, bạn cần phải nỗ lực rất nhiều và đặc biệt là không được bỏ cuộc.
Các bước kiếm tiền với tiếp thị liên kết
Nhìn chung, để kiếm tiền với tiếp thị liên kết, bạn cần trải qua 5 bước dưới đây:
Bước 1: Tìm kiếm thị trường ngách (niche) và sản phẩm
Rất nhiều bạn mới bỏ qua bước này, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong tiếp thị liên kết.
Có một câu nói khiến mình rất tâm đắc đó là: “Nếu tất cả mọi người đều là khách hàng của bạn, thì bạn chẳng có khách hàng nào cả”.
Điều đó có nghĩa rằng nếu bạn bán rất nhiều loại sản phẩm cùng một lúc dành cho mọi đối tượng khách hàng thì bạn sẽ không bán được hàng.
Như mình đã nói ở trên, để bán được hàng bạn cần có sự hiểu biết chuyên sâu về sản phẩm của bạn. Đây chính là điều làm lên sự khác biệt giữa bạn và hàng trăm nghìn những người làm tiếp thị liên kết khác.
Vậy thị trường như nào thì được gọi là thị trường ngách?
Thị trường ngách là thị trường mà không thể phân tách nhỏ ra được. Như vậy thị trường điện thoại, thị trường máy tính hay thị trường quần áo chưa phải là một thị trường ngách. Vì trong thị trường điện thoại còn có điện thoại SamSung, Nokia, Iphone,… trong quần áo còn có quần áo mùa đông, quần áo mùa hè, quần áo trẻ em,…
Nếu bạn muốn chọn 1 thị trường ngách trong lĩnh vực điện thoại thì thị trường “ điện thoại Samsung giá rẻ” hay “điện thoại nokia cho người già” có thể coi là một thị trường ngách.
Khi chọn thị trường ngách thì nhu cầu của thị trường là yếu tố mà bạn không thể bỏ qua. Mặc dù sản phẩm của bạn rất mới lạ, độc nhất vô nhị nhưng chẳng có ai quan tâm thì chắc chắn bạn sẽ không bán được hàng.
Bước 2: Tìm kiếm và đăng ký chương trình tiếp thị liên kết
Hầu hết mọi loại sản phẩm đều có chương trình tiếp thị liên kết.
Như mình đã nói ở trên, để tìm chương trình tiếp thị liên kết cho sản phẩm, bạn chỉ cần Google search với từ khóa: tên sản phẩm +affiliate.
Nếu bạn không tìm thấy chương trình tiếp thị nào trên kết quả tìm kiếm của Google thì cũng đừng quá lo lắng. Hãy đăng ký chương trình tiếp thị cho các sàn thương mại điện tử như: Amazon, Ebay, Shopee,… chắc chắn bạn sẽ tìm ra sản phẩm trong thị trường ngách của mình.
Việc tiến hành đăng ký một chương trình tiếp thị liên kết rất đơn giản, bạn chỉ cần làm theo hướng dẫn trực tiếp trên website cung cấp chương trình tiếp thị liên kết.
Tuy nhiên một số chương trình tiếp thị liên kết yêu cầu bạn phải đạt được một số tiêu chí trước khi tham gia vào mạng lưới của họ. Yêu cầu đó có thể là bạn phải có website, phải có kênh Youtube, Facebook, TikTok với một lượng người theo dõi nhất định.
Nếu bạn chưa có gì cả thì cách dễ nhất và nhanh chóng nhất để kiếm tiền với tiếp thị liên kết là đăng ký trên các mạng tiếp thị liên kết, ví dụ như Accesstrade chẳng hạn.
Bước 3: Chuẩn bị nội dung.
Sau khi đã đăng ký chương trình tiếp thị liên kết xong, bạn cần xây dựng các bài viết liên quan đến sản phẩm hoặc thị trương ngách của bạn.
Nội dung là yếu tố then chốt, trực tiếp ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của khách hàng từ đó quyết định đến lợi nhuận mà bạn thu được.
Hãy luôn nhớ rằng: “Khách hàng không mua hàng mà họ chỉ mua giải pháp”.
Nếu thị trường ngách của bạn là những chiếc điện thoại SamSung dành cho người già thì bạn có thể viết bài hướng dẫn người già sử dụng điện thoại, khắc phục một số sự cố cơ bản, các tính năng nổi trội, các mẫu điện thoại SamSung,… Nói chung là các chủ đề có liên quan đến thị trường ngách của bạn.
Bạn nên xây dựng khoảng 20-30 bài viết chất lượng trước khi chuyển sang bước tiếp theo.
Bước 4: Tạo website và đăng bài
Thường thì những người mới sẽ tạo website xong rồi mới đi tạo nội dung nhưng cách làm ngược lại sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Vì nếu không chuẩn bị nội dung, bạn có thể rơi vào trạng thái cạn kiệt ý tưởng chỉ sau vài bài viết đầu tiên và dễ bị trùng lặp nội dung ở các bài viết khác nhau. Điều này không hề tốt cho SEO.
Nhiều bạn nghĩ rằng việc thiết kế ra một website là một công việc đòi hỏi chuyên môn cao hay phải có biết về lập trình thì mới có thể làm được. Nhưng ngày nay, với sự hỗ trợ của hàng ngàn công cụ tạo website miễn phí, điển hình như WordPress thì việc tạo ra một website là rất dễ dàng và nhanh chóng. Bạn chỉ cần bỏ ra một khoản chi phí đầu tư ban đầu khoảng 1 triệu đồng cho domain và hosting.
Sau khi thiết kế website xong, bạn sẽ tiến hành đăng bài với những bài viết được chuẩn bị ở bước trước theo kế hoạch đã đưa ra.
Bước 5: Tối ưu SEO và kéo traffic về website.
Để khách hàng mua hàng của bạn thì trước tiên họ phải biết đến sự tồn tại về website của bạn đã.
Bạn có thể quảng bá trang web bằng cách chia sẻ url lên Facebook, Youtube, TikTok, lên các diễn đàn web như: Tinhte, Techrum, Voz,…
Tuy nhiên đây là cách chỉ mang lại traffic (lượng người truy cập) trong thời gian ngắn hạn. Làm theo cách này là bạn đang chủ động đi tìm kiếm khách hàng.
Có một cách mà khiến khách hàng tự tìm đến website của bạn và mang lại nguồn traffic lâu dài đó là SEO.
Khi một người đang có nhu cầu về điện thoại SamSung, họ sẽ lên Google search với từ khóa “điện thoại SamSung”. Nếu website của bạn xuất hiện đầu tiên trên trang tìm kiếm của khách hàng thì khả năng bán được hàng sẽ rất cao.
Việc làm cho trang web đứng trong những top đầu của kết quả tìm kiếm được gọi là SEO. Vì trong một bài viết nên mình không thể nói chi tiết các bước làm SEO hoàn chỉnh được, nhưng về cơ bản thì mình thấy SEO gồm 2 công việc chính đó là tối ưu bài viết và đi backlink.
Theo Neilpatel, một website trung bình sẽ mất 3,39 tháng để có thể xếp hạng 1 trên Google. Thời gian này có thể sẽ kéo dài hơn nếu bạn là người mới và bạn hãy sẵn sàng chuẩn bị tâm lý cho việc làm không công trong 1 khoảng thời gian đầu tiên này.
Trên đây là 5 bước cần thiết để bạn có thể bắt đầu một công việc tiếp thị liên kết dài hạn. Có nhiều bạn sẽ thắc mắc rằng: tại sao cần phải có website? Các nền tảng khác như: Facebook, TikTok, Youtube,.. có làm tiếp thị liên kết được không? Câu trả lời là bạn hoàn toàn không cần đến 1 website để có thể bắt đầu kiếm tiền với tiếp thị liên kết. Sau khi đăng ký chương trình tiếp thị liên kết, bạn có thể chia sẻ đường link của mình lên mạng xã hội để tìm kiếm khách hàng.
Bạn cũng có thể xây dựng các fanpage bán hàng trên Facebook, làm Youtuber,… vẫn kiếm được tiền với tiếp thị liên kết.
Tuy nhiên mình muốn nói đến ở đây là các bước để kiếm tiền với tiếp thị liên kết dài hạn. Điều khác biệt lớn nhất giữa website và các nền tảng mạng xã hội, youtube là website thuộc sở hữu của riêng bạn, không một ai có thể lấy mất hoặc có quyền thay đổi nội dung trên đó.
Còn đối với Facebook, Youtube hay TikTok, khi bạn vi phạm chính sách của họ thì bạn sẽ bị cấm hoặc xóa tài khoản vĩnh viễn. Chắc bạn cũng đã chứng kiến rất nhiều kênh youtube hàng trăm nghìn lượt subcribe ra đi vĩnh viễn mà không rõ lý do rồi chứ?
Kết luận
Nếu bạn là một người mới bắt đầu, chắc chắn bạn sẽ bị choáng ngợp bởi những công việc mà mình phải làm để kiếm tiền với tiếp thị liên kết. Tuy nhiên hãy đừng vội bỏ cuộc, không có công việc nào là dễ dàng để bắt đầu cả, vì “vạn sự khởi đầu nan” mà.
Hãy không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ những lần thất bại, chắc chắn một ngày nào đó những nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp một cách xứng đáng.
Nếu bạn đang phân vân không biết có nên làm tiếp thị liên kết không thì đừng ngại thử thách bản thân nhé. Chúc bạn thành công.