Chi phí để tạo ra 1 website WordPress là bao nhiêu?
Nếu bạn đang có nhu cầu xây dựng cho mình 1 website để bán hàng, xây dựng thương hiệu cá nhân, kiếm tiền affiliate hay chỉ đơn thuần là chia sẻ những sở thích, kinh nghiệm hoặc trải nghiệm của bản thân trong cuộc sống. Và bạn tự hỏi rằng chi phí để xây dựng nên 1 website là bao nhiêu, mất bao lâu và cần những kỹ năng gì?
Bạn đã chọn đúng nơi rồi đó, trong bài viết này mình sẽ lần lượt đi tìm câu trả lời cho từng thắc mắc trên. Tuy nhiên mình sẽ không dạy mọi người lập trình ra một website mà sẽ sử dụng một công cụ rất mạnh mẽ hiện nay đó là WordPress (theo thống kê có đến 43% trên tổng tất cả các website trên internet sử dụng mã nguồn mở này). Để hiểu hơn về WordPress, bạn hãy đọc bài viết này nhé.
Ok mình sẽ bắt đầu đi vào câu hỏi đầu tiên nhé:
Tạo website WordPress cần những kỹ năng gì?
Không giống như cách mà những lập trình viên vẫn code ra website, WordPress cho phép bạn thiết kế ra website của mình mà không cần có kiến thức về lập trình và không phải viết bất kỳ dòng code nào.
Nói không cần kỹ năng gì thì cũng không đúng, nhưng bạn hoàn toàn có thể tìm được những hướng dẫn chi tiết từng bước một (step by step) trên Google hay Youtube là có thể tạo ra được 1 website WordPress chỉ trong 1 thời gian ngắn.
Nếu bạn xem các bài hướng dẫn trên internet mà vẫn không hiểu thì hãy comment xuống dưới bài viết này, mình sẽ viết một bài khác hướng dẫn tạo website với WordPress từ A đến Z cho người mới bắt đầu nhé.
Tóm lại dù bạn đang ở trình độ nào, có kỹ năng hay không thì bạn vẫn hoàn toàn có thể tạo cho mình 1 website như ý muốn bằng WordPress.
Tạo 1 website WordPress mất bao lâu?
Cái này còn tùy thuộc vào độ phức tạp của website và loại website nữa. Rõ ràng là 1 website dạng blog sẽ tốn ít thời gian để xây dựng và thiết lập hơn so với một website bán hàng. Nếu bạn muốn website có nhiều chức năng hơn như: tích hợp các hình thức thanh toán online, gửi mail tự động, google toolkit hay custom widget thì bạn phải bỏ thời gian ra nhiều hơn. Mặc dù hầu hết các chức năng đều có plugin hỗ trợ nhưng bạn vẫn phải mất thời gian để thiết lập chúng.
Đối với các site dạng blog không có yêu cầu chỉnh sửa nhiều thì thường mình chỉ làm trong vòng vài giờ bao gồm cả thời gian để mua và setup domain, hosting. Còn đối với các website khách hàng yêu cầu custom nhiều thì có thể mất đến 1 hoặc vài ngày mới xong và bàn giao lại được.
Với các bạn mới vọc vạch tìm hiểu, chưa thành thạo thì có thể mất nhiều thời gian hơn. Tóm lại việc tạo ra 1 website WordPress thường mất từ vài giờ cho đến vài ngày tùy vào kỹ năng của bạn và mức độ tùy biến của website.
Tạo website bằng WordPress tốn bao nhiêu tiền?
Nếu đây là lần đầu tiên bạn có ý định thiết kế 1 website thì chắc chắn bạn sẽ muốn biết rằng mình sắp phải bỏ ra những khoản phí nào, liệu có vượt quá ngân sách của mình không?
Nhiều bạn muốn thuê một dịch vụ thiết kế website nhưng khi hỏi thì chỗ báo 2tr, chỗ thì 5tr, 7tr, 10tr hoặc hơn. Vậy những yếu tố nào quyết định đến giá của 1 website WordPress?
Những chi phí bắt buộc phải có của 1 website
Không chỉ WordPress mà bất cứ website nào muốn “hiện hình” trên mạng đều bắt buộc phải có domain và hosting. Cả 2 thành phần này đều có những nhà cung cấp cho phép bạn sử dụng miễn phí tuy nhiên sẽ hạn chế về rất nhiều thứ. Do vậy nếu bạn muốn làm một cách nghiêm túc thì nên mua hosting và domain trả phí.
Chi phí domain
Chi phí domain cũng không cố định mà phụ thuộc vào phần mở rộng (phần đuôi) của tên miền và sẽ được tính theo năm. Ví dụ tên miền có đuôi .vn sẽ đắt hơn tên miền .com.
Các loại đuôi tên miền phổ biến là: .com, .net, .org. Mình thường mua tên miền tại Namecheap vì hay có khuyến mại giảm giá nên sẽ rẻ hơn các nhà cung cấp tên miền khác. Dưới đây là bảng giá 1 số tên miền trên Namecheap.
Như bạn có thể thấy, giá của tên miền có đuôi .com cho năm đầu tiên là $9.58 tức là khoảng 220k tiền Việt.
Trong trường hợp bạn muốn mua tên miền đuôi .vn thì bạn phải lựa chọn những nhà cung cấp tại Việt Nam, ví dụ Azdigi, Tenten, Inet,… với mức giá từ 500k đến 800k.
Chi phí hosting
Trong bài viết này, để đơn giản hóa vấn đề mình sẽ chọn dịch vụ shared hosting để lưu trữ website WordPress. Loại hosting này đã được thiết lập cấu hình sẵn webserver và database và có cả cPanel để quản lý nên rất dễ tiếp cận cho người mới. Bạn chỉ mất vài cú nhấp chuột là có thể triển khai website WordPress lên shared hosting.
Dịch vụ hosting cũng rất đa dạng, nhiều nhà cung cấp với nhiều gói với mức cấu hình khác nhau. Nếu mua hosting ở các site nước ngoài như Hawkhost, Bluehost, Hostinger, Namecheap,.. thì mức giá sẽ rẻ hơn so với các dịch vụ hosting tại Việt Nam nếu ở cùng một mức cấu hình.
Nếu website của bạn hướng tới đối tượng mục tiêu là người nước ngoài thì nên cân nhắc các dịch vụ hosting trên. Còn nếu website cho người Việt sử dụng thì mình đề xuất mua hosting tại nhà cung cấp Việt Nam, vừa tăng tốc độ truy cập vừa dễ dàng trong quá trình hỗ trợ sau này.
Nhà cung cấp hosting tại Việt Nam cũng rất nhiều: Pavietnam, Azdigi, Tinohost, Mắt Bão, Nhân Hòa,.. Mình thì hay dùng dịch vụ hosting tại Azdigi, dưới đây là bảng giá các gói shared hosting của nhà cung cấp này:
Đối với các site WordPress dạng blog thì dùng gói AZ Pro 3, còn website ecommerce thì dùng gói AZ Pro 4 là ổn. Bạn không cần quá lo lắng về sau khi số lượng khách hàng sử dụng website tăng lên thì hosting không đáp ứng được vì việc nâng cấp lên gói cao hơn rất dễ dàng mà không làm mất dữ liệu website của bạn.
Như vậy nếu bạn sử dụng gói AZ Pro 3 tại Azdigi thì bạn sẽ phải trả: 65k x 12 tháng = 780k mỗi năm. Tuy nhiên nếu bạn mua vào các dịp khuyễn mãi thì có thể được giảm giá lên đến 40%.
- Tổng chi phí domain (.com tại Namecheap) và hosting (Az Pro 3) là 220k + 780k = 1tr.
Những chi phí không bắt buộc
Chi phí theme và plugin
Theme là thành phần bắt buộc phải có của website WordPress, còn plugin thì có thể có hoặc không.
Kho thư viện theme miễn phí của WordPress rất đa dạng với hàng nghìn theme đáp ứng mọi loại website. Tuy nhiên các theme miễn phí thường không có tính tùy biến cao bằng các theme trả phí.
Hiện tại có 2 website bán theme WordPress phổ biến nhất trên thế giới đó là themeforest và mythemeshop. Các theme này có giá dao động từ vài chục đến 100 đô.
Chi phí thiết kế website
Nếu bạn thuê trọn gói dịch vụ thiết kế website thì đây có thể là phần tốn nhiều tiền nhất, còn cụ thể là tốn bao nhiêu còn tùy thuộc vào nhu cầu của bạn. Như mình đã nói, bạn hoàn toàn có thể tự thiết cho mình 1 website WordPress dựa bằng việc tự học, tự tìm hiểu trên internet. Tất nhiên bạn sẽ phải chấp nhận đánh đổi bằng thời gian nếu không muốn bỏ tiền để thuê dịch vụ của bên thứ 3.
Chi phí bảo trì, sửa chữa
Nhiều người nhận làm dịch vụ thiết kế website chỉ với vài trăm nghìn thì chắc chắn rằng khi hệ thống bị lỗi, bạn sẽ chẳng thể nào liên lạc được với họ để sửa chữa. Chính vì vậy khi đi thuê dịch vụ thiết kế website bạn cần làm rõ website của mình được bảo hành, hỗ trợ trong thời gian bao lâu kể từ khi bàn giao và phạm vi hỗ trợ bao gồm những gì.
Bạn cũng hoàn toàn có thể tự quản trị, nâng cấp và bảo trì website của mình bằng việc tự tìm hiểu các kiến thức này trên mạng. Tuy nhiên trước khi bạn thực hiện các thao tác quan trọng trên website của mình mà không chắc chắn thì hãy backup lại trước để tránh làm hỏng website và mất dữ liệu.
Kết luận
Việc tạo ra 1 website WordPress không hề phức tạp và tốn kém như bạn nghĩ. Nếu chịu khó học hỏi và tìm tòi thì bạn chỉ cần bỏ ra mức chi phí tối thiểu khoảng 1 triệu đồng là có một website riêng cho mình.
Còn nếu bạn muốn thuê một dịch vụ thiết kế website WordPress uy tín, hãy liên hệ mình qua số điện thoại 0563.560.396 (Zalo) bên mình sẽ tư vấn và hỗ trợ bạn nhiệt tình.