8 dấu hiệu nhận biết một công việc kiếm tiền online lừa đảo

Nếu bạn là người gắn bó với blog Chiến Dịch Kiếm Tiền thì sẽ thấy không ít lần mình đăng những bài cảnh báo về những ứng dụng, website kiếm tiền online lừa đảo.

Vậy dấu hiệu nhận biết những công việc kiếm tiền online lừa đảo này là gì khi mà càng ngày các chiêu trò lừa đảo online càng trở nên tinh vi hơn và có những thủ thuật rất khó để phát hiện.

Khi tham gia vào các công việc kiếm tiền online lừa đảo, bạn không những không kiếm được tiền mà ngược lại còn mất tiền, mất thời gian và thậm chí còn có thể tiếp tay cho các hành vi vi phạm phát luật.

Chính vì vậy trong bài viết này mình sẽ tổng hợp những dấu hiệu nhận biết một công việc kiếm tiền online lừa đảo để bạn có thể tránh gặp phải những rủi ro không đáng có.

1. Việc nhẹ, thời gian làm ít nhưng lương rất cao

tuyển dụng việc nhẹ lương cao lừa đảo trên Facebook

Đây là nội dung mà bạn hay bắt gặp trong các hội nhóm Facebook, nghe rất hấp dẫn phải không? Tuy nhiên sự thật vốn không phải mơ.

Bạn có bao giờ thử nghĩ xem nếu bạn là người có nhu cầu đi thuê người khác làm việc cho mình thì bạn có trả lương cho họ ngay cả khi họ không làm gì không?

Muốn được người khác trả tiền cho mình thì bạn phải làm việc để tạo ra giá trị lớn hơn số tiền mà họ thuê bạn, đó chính là quy luật.

Mình không phủ nhận rằng có những công việc online làm ít, lương cao mà lại uy tín, tuy nhiên chúng chỉ là số ít và đòi hỏi người làm phải có kiến thức, kỹ năng chuyên môn về một lĩnh vực nào đó.

2. Website, ứng dụng không rõ ràng.

Đối với các công việc kiếm tiền online trên website hay ứng dụng di động thì cách dễ nhất để phát hiện xem có lừa đảo hay không đó chính là dựa vào các thông tin về công ty, người tuyển dụng có trên ứng dụng đó.

Các website lừa đảo thường có tên miền với những đuôi có độ tin cậy thấp như: .info, .asia, .vip, .tk, .xyz…Ví dụ ctvshopee.xyz. Để kiểm tra thông tin website, bạn có thể truy cập https://chiendichkiemtien.com/kiem-tra-tuoi-ten-mien.html

Các website ứng dụng lừa đảo thường có giao diện người dùng rất sơ sài, vì chúng chỉ hoạt động trong 1 thời gian ngắn nên phần giao diện sẽ không được chú trọng. Hơn nữa các thông tin công ty cũng như phần liên hệ bạn tìm thấy đều là những thông tin giả mạo không có thật.

website chốt đơn hàng online lừa đảo

Bạn có thể kiểm tra thông tin có thật hay không bằng mã số doanh nghiệp được ghi trên app hoặc web (nếu có).

3. Các công việc xem, like, share, comment Facebook, TikTok, Youtube,…

Không phải tất cả các app hay website có công việc xem, like, comment các kênh mạng xã hội kiếm tiền đều là lừa đảo. Một số ứng dụng cung cấp dịch vụ tương tác mạng xã hội sẽ thực sự trả tiền cho người dùng. Tuy nhiên số tiền nhận được rất ít nếu như không muốn nói là không đáng kể.

bài tuyển dụng xem tiktok kiếm tiền trên facebook

Còn như công việc trên bạn có thể thấy dấu hiệu lừa đảo rất rõ ràng. Không thể nào có chuyện rằng 1 ngày chỉ xem TikTok mà lại được trả lên đến 480 nghìn.

Hiện nay trên internet không thiếu gì các dịch vụ tăng tương tác trên mạng xã hội với giá rất rẻ và uy tín. Với 1000 lượt like TikTok chỉ cần vài chục nghìn đồng. Vậy thì tại sao người ta phải thuê bạn tăng tương tác cho với giá gấp rất nhiều lần như vậy mà hiệu quả lại không cao?

4. Kiếm tiền chủ yếu dựa vào hình thức đa cấp

Mô hình đa cấp (Multi-level Marketing) hiểu nôm na là mô hình kinh doanh nhiều cấp bậc trong đó người thuộc cấp thấp hơn sẽ phải chia sẻ hoa hồng cho cấp trước đó.

Mô hình bán hàng đa cấp vốn không phải là một mô hình lừa đảo, nhưng kiếm tiền hoàn toàn dựa trên đa cấp thì chính là dấu hiệu của lừa đảo.

Ví dụ có những app kiếm tiền online chỉ trả tiền cho người dùng khi họ lôi kéo được người thân hoặc bạn bè tham gia vào app, hoặc số tiền trả cho nhiệm vụ này cao hơn gấp nhiều lần so với các nhiệm vụ khác có trên app.

hình thức kiếm tiền online đa cấp lừa đảo

Đa phần các công việc đa cấp lừa đảo này đều yêu cầu người dùng phải có vốn ban đầu. Và những người ở cấp bậc cao hơn sẽ hưởng lợi từ cấp dưới của họ bằng chính số tiền mà cấp dưới nạp vào hệ thống.

Khi hệ thống lừa đảo không còn hoạt động nữa thì những người ở cấp thấp nhất sẽ mất trắng số tiền mà họ đã nạp.

5. Đầu tư với lợi nhuận siêu khủng

lừa đảo đầu tư với lãi suất cao

Hiện nay, lãi suất cho vay tại các ngân hàng chỉ là 6-25%/năm. Nếu lãi suất trên hình là thật thì sẽ là hơn 1000%/năm, vậy thì tại sao người ta không vay ngân hàng để đầu tư mà lại đăng bài tuyển dụng người khác đầu tư?

Chắc bạn đã có câu trả lời rồi chứ? Không sai, đây chính là một hình thức lừa đảo rất dễ nhận thấy.

Không thể có hình thức gửi tiết kiệm nào lại cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng cả. Nếu mức lợi nhuận kia có thật thì có thể đó chỉ là một hình thức đánh bạc nào đó hoặc đầu tư vào tiền điện tử. Tuy nhiên với các hình thức này thì không thể lúc nào cũng đảm bảo 100% lợi nhuận cả.

6. Cờ bạc online với tỉ lệ thắng cao.

Cờ bạc online vốn là một hình thức vi phạm pháp luật và bị cấm ở Việt Nam. Chính vì vậy mà các máy chủ của các trang web hay ứng dụng mang tính chất đỏ đen ăn tiền thường đặt tại nước ngoài.

Bị cấm đã là một chuyện nhưng cũng không ít sàn còn lập ra với mục đích lừa đảo tiền của người dùng. Các ứng dụng này được quảng bá là cho tỉ lệ ăn cao, có thể lên đến 80-90%. Và đúng vậy, những người mới nạp lần đầu thường có tỉ lệ thắng rất cao nhưng không thể đạt đến ngưỡng để rút tiền.

Khi đã gần đạt đến ngưỡng rút thì tỉ lệ thua lại cao hơn và số tiền cũng dần trở về 0.

Nhà cái hay chủ sòng bạc online hoàn toàn có thể thay đổi tỉ lệ thắng thua của bạn và cũng chính là người nắm giữ tất cả số tiền mà mọi người nạp vào sòng. Như vậy khi tham gia vào các sòng bạc lừa đảo, bạn có khả năng bị mất tất cả tiền nạp vào khi hệ thống này không còn hoạt động.

Lời khuyên của mình đó là ngay cả đối với những sòng bạc uy tín thì bạn cũng không nên tham gia vì cho dù như nào thì hình thức đánh bạc vẫn là hành vi vi phạm pháp luật.

7. Làm việc cho Shopee, Lazada, Tiki hoặc các sàn thương mại điện tử khác.

lừa đảo tuyển dụng online cho tiki shopee lazada

Nguồn: VNCERT/CC

Dạo gần đây có rất nhiều đối tượng giả làm nhân viên của các sàn thương mại điện tử để đi tuyển dụng cộng tác viên bán hàng.

Người tham gia kiếm tiền sẽ cần phải có một số vốn nhất định để mua hàng. Sau khi mua hàng, người mua sẽ được hoàn lại số tiền gốc và 10-20% tiền hoa hồng trên mỗi sản phẩm.

Đối với 1 vài đơn đầu tiên thì các đối tượng lừa đảo sẽ trả tiền đầy đủ và đúng hạn để xây dựng lòng tin với nạn nhân. Và khi người dùng tin tưởng nạp một số tiền lớn vào hệ thống để mua hàng thì không thể rút ra được nữa.

Lưu ý rằng các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada,.. không bao giờ chủ động nhắn tin cho bạn hoặc đăng bài lên các kênh mạng xã hội để tuyển dụng. Do vậy nếu gặp các trường hợp này thì bạn nên tránh xa, không nên tìm hiểu hoặc tham gia.

8. Các tài khoản mạng xã hội ảo hoặc giả mạo.

Khi thực hiện tuyển dụng các công việc kiếm tiền online lừa đảo, thông thường các đối tượng sẽ sử dụng các nick clone (tài khoản ảo) hoặc giả mạo.

Việc nhận ra các tài khoản này tương đối đơn giản.

Ví dụ đối với Facebook bạn có thể nhận biết được nick ảo thông qua một số đặc điểm:

  • Không có avatar hoặc avatar lấy ảnh trên mạng
  • Album ảnh không có hoặc không cùng 1 người.
  • Danh sách bạn bè ít
  • Bài đăng không có hoặc rất ít tương tác.
  • Tài khoản mới được tạo.
  • Không có hoặc rất ít thông tin cá nhân

tài khoản facebook clone

Ví dụ về 1 nick clone.

Lưu ý: kể cả đối với những tài khoản Facebook có tick xanh thì bạn cũng phải tìm hiểu thật kĩ công việc vì tích xanh Facebook cũng không phải là quá khó để có được.

Kết luận

Trên đây là 8 dấu hiệu nhận biết một công việc kiếm tiền online lừa đảo giúp bạn tránh được những rủi ro không đáng có về tiền bạc, thời gian và công sức. Nếu bạn thấy bài viết hay và có ích hãy chia sẻ nó cho những người khác cùng đề phòng nhé. Và đừng quên follow fanpage của chiến dịch kiếm tiền trên Facebook để không bỏ lỡ những bài viết mới nhất của mình nha.

Reply