[Tổng hợp] Kinh nghiệm bán hàng trên Shopee dành cho seller

Shopee là sàn thương mại điện tử có sức mua lớn nhất tại Việt Nam. Điều đó lý giải cho việc rất nhiều người chọn Shopee làm nền tảng bán hàng chính cho cửa hàng online của mình.

Là một người mới tập tọe bán hàng trên Shopee, chắc hẳn bạn đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình kinh doanh của mình.

Do vậy, trong bài viết này mình sẽ tổng hợp 14 kinh nghiệm bán hàng trên Shopee giúp cho công việc bán hàng của bạn dễ dàng hơn và sớm có được lợi nhuận trên nền tảng này.

1. Đặt tiêu đề cuốn hút cho sản phẩm

Việc đặt tên đúng giúp cho khách hàng dễ dàng tìm thấy sản phẩm của bạn hơn. Ngoài ra 1 tiêu đề cuốn hút còn làm tăng tỉ lệ click (CTR – Click Through Rate) vào sản phẩm.

Để biết cách đặt tên sản phẩm Shopee chuẩn xác, bạn hãy đọc bài viết này.

2. Nâng cao đánh giá từ người dùng.

Giả sử bạn là người mua, nếu được chọn giữa một sản phẩm được hàng nghìn lượt đánh giá ở mức độ trung bình 4-5 sao với 1 sản phẩm chỉ được đánh giá 2-3 sao hay thậm chí là chưa được đánh giá thì bạn sẽ chọn mua sản phẩm nào?

Phần lớn khách hàng sẽ có xu hướng chọn những sản phẩm được đánh giá cao bởi những người đã từng sử dụng. Vậy làm thế nào để sản phẩm được đánh giá cao?

Một số chủ shop tạo các nick Shopee khác nhau và tự mua chính sản phẩm của mình để có được những đánh giá 5 sao. Tuy nhiên cách làm này không được khuyến khích vì bạn phải mất thêm chi phí (phí thanh toán, phí cố định, vận chuyển,…) và nó vi phạm điều khoản của Shopee.

Cách làm tốt nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ tư vấn. Nếu khách hàng đánh giá thấp sản phẩm, bạn cần phải tìm ra nguyên nhân, chọn phương án giải quyết tốt nhất. Sau khi giải quyết thỏa đáng vấn đề, bạn hãy yêu cầu họ thay đổi lại đánh giá về sản phẩm.

3. Phản hồi tin nhắn từ người dùng

Nhiều khách hàng trước khi mua sản phẩm, họ sẽ tham khảo trên một số shop và khi có thắc mắc về sản phẩm, họ sẽ inbox với shop để được giải đáp. Nếu bạn không có mặt để trả lời ngay, họ sẽ chuyển sang shop khác và bạn sẽ mất khách hàng.

Do vậy nếu có thể, hãy cố gắng phản hồi lại khách hàng trong thời gian sớm nhất.

4. Tham gia các chương trình khuyến mại.

Khách hàng luôn thích các chương trình khuyến mại, tuy nhiên bạn cũng nên xem xét đến thời điểm nào thì cho ra các voucher là thích hợp nhất. Nếu bạn cho ra các voucher về sản phẩm quá thường xuyên, nó sẽ vừa ảnh hưởng đến doanh số bán hàng, vừa khiến cho người dùng nghi ngờ về giá trị thực sự của sản phẩm.

Bạn nên ra các khuyến mại vào thời gian flash sale, các ngày đặc biệt của Shopee hay các ngày lễ tết trong năm vì đây là thời điểm có sức mua cao nhất.

5. Chú trọng vào ảnh sản phẩm.

Đây là một yếu tố rất quan trọng khi tham gia vào bán hàng online trên bất kì nền tảng nào. Vì đã nói đến “online” thì tức là khách hàng không thể sờ trực tiếp vào sản phẩm được và hình ảnh là cái thực tế nhất để họ có thể hình dung được về sản phẩm.

Hình ảnh đẹp sẽ làm cho khách hàng bị thu hút và gia tăng tỉ lệ chuyển đổi.

Một hình ảnh đẹp phải có chất lượng cao, không bị mờ hoặc thiếu ánh sáng, có thương hiệu của sản phẩm. Một sản phẩm nên có nhiều ảnh bao gồm các phân loại màu sắc, kích thước, dung tích của sản phẩm và thể hiện các góc nhìn khác nhau về sản phẩm.

Các bước để tạo ra 1 bức ảnh đẹp bao gồm: chuẩn bị sản phẩm và thiết bị (camera hoặc điện thoại có độ phân giải cao), tạo phông nền sản phẩm, điều chỉnh ánh sáng, chụp ảnh và cuối cùng là chỉnh sửa.

6. Đặt giá cạnh tranh

Rất nhiều khách hàng trên Shopee sử dụng tính năng lọc theo giá từ thấp đến cao khi tìm kiếm về một sản phẩm mà họ có ý định mua. Do vậy bạn chỉ cần đặt giá sản phẩm thấp hơn một chút so với đối thủ là bạn đã có lợi thế hơn rồi.

Tuy nhiên bạn không nên làm dụng cách làm này vì các đối thủ họ sẽ nhanh chóng nhận ra và có thể tiếp tục đặt giá cạnh tranh với bạn. Nếu cứ chạy theo cuộc đua này thì bạn sẽ có nguy cơ bị lỗ vốn. Thay vì thế, bạn nên tập trung vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng.

7. Chính sách đổi trả và bảo hành

Khi bạn mua sản phẩm từ các cửa hàng, bạn cũng sẽ nhận được bảo hành sản phẩm trong 1 khoảng thời gian nhất định, đặc biệt là các đồ điện tử.

Đối với các cửa hàng trực tuyến thì bảo hành còn quan trọng hơn nhiều do người mua không được gặp trực tiếp người bán, không được tận tay tận mắt kiểm chứng chất lượng sản phẩm và họ có thể lo ngại về sản phẩm bị lỗi ngay lúc nhận hàng hoặc trong quá trình sử dụng.

Nếu shop của bạn cung cấp chính sách đổi trả hàng và có quy định về bảo hành sản phẩm khi có lỗi từ nhà sản xuất thi khách hàng sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi quyết định bỏ tiền để sở hữu sản phẩm.

8. Mô tả sản phẩm chi tiết

Bạn nên tự viết mô tả cho sản phẩm thay vì đi copy từ những shop khác. Trong phần nội dung mô tả, bạn cần viết ngắn gọn nhưng phải nêu bật ưu điểm của sản phẩm.

Những nội dung mà bạn cho là quan trọng nhất thì nên để ở trên đầu mô tả vì rất ít khi người dùng đọc hết từ đầu đến cuối. Ngoài ra việc sử dụng các hashtag (ví dụ: #kemchongnang) cũng rất quan trọng trong việc giúp người mua dễ dàng tiếp cận sản phẩm.

Để biết cách viết sản phẩm mô tả đúng chuẩn, bạn nên đọc bài hướng dẫn viết mô tả của Shopee.

9. Tạo hồ sơ shop cuốn hút

Có 5 thành phần quan trọng để tạo nên 1 hồ sơ cuốn hút là : ảnh đại diện, ảnh bìa, tên shop, hình ảnh và video, Mô tả shop.

Trên Shopee cũng đã có bài hướng dẫn chi tiết cách tạo một hồ sơ shop cuốn hút, bạn có thể đọc thêm tại đây.

10. Tạo uy tín thương hiệu

Tạo dựng thương hiệu là cách đưa shop của bạn phát triển bền vững và lâu dài. Dù cho bạn bán hàng trên bất kỳ kênh online hay offline nào thì thương hiệu vẫn là yếu tố rất quan trọng.

Để tăng độ phủ cúng như mức độ uy tín của shop, bạn có thể marketing trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok,… hoặc website. Việc đăng ký Shopee Mall cũng là cách làm tăng độ uy tín thương hiệu của bạn.

Tuy nhiên cách tốt nhất để xây dựng thương hiệu là nâng cao chất lượng sản phẩm và các dịch vụ đi kèm để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.

11. Liên tục cập nhật sản phẩm

Xu thế của thị trường luôn được cập nhật liên tục, và để đáp ứng được sự thay đổi đó, bạn cũng cần cập nhật sản phẩm của mình.

Việc cập nhật sản phẩm thường xuyên cũng giúp cho shop của bạn được Shopee đánh giá cao hơn và có thể được ưu tiên hơn khi xuất hiện trong kết quả tìm kiếm của người dùng.

12. Quản lý hàng tồn kho

Quản lý hàng tồn kho luôn là một bài toán khó đặt ra cho các chủ shop vì nó quyết định trực tiếp đến vấn đề lời hay lỗ trong kinh doanh.

Một số kinh nghiệm quản lý hàng tồn kho như:

  • Liên tục kiểm kê hàng hóa trong nhà kho
  • Quản lý hàng tồn kho bằng mã vạch
  • Sử dụng phần mềm quản lý hàng tồn kho
  • Sắp xếp hàng hóa trên các kệ kho hàng.

13. Sử dụng livestream

Tính năng Shopee Live được ra mắt vào 3/2019 và được rất nhiều shop yêu thích. Livestream giúp làm tăng sự tin tưởng của khách hàng vì bạn có thể tương tác trực tiếp với họ, giúp họ thấy được hình ảnh thật của sản phẩm.

Để sử dụng được tính năng livestream, shop của bạn phải có trên 50 follower, có đăng sản phẩm và được duyệt và không bán các sản phẩm Shopee cấm.

14. Đọc điều khoản và chính sách dành cho người bán

Nhiều người bỏ qua bước này trước khi tạo shop bán hàng trên Shopee vì cho rằng đây là công việc tốn thời gian. Tuy nhiên việc dành 10 đến 15 phút để đọc nội dung này sẽ giúp bạn tránh được rất nhiều phiền toái trong quá trình bán hàng.

Kết luận

Trên đây là một số kinh nghiệm bán hàng trên Shopee dành cho người mới mà mình tổng hợp được, rất mong sẽ giúp ích cho bạn. Nếu bạn có kinh nghiệm trong việc bán hàng Shopee thì hãy chia sẻ nó với mọi người ở dưới phần bình luận nhé.

Reply