Những sai lầm cơ bản trong affiliate marketing hay gặp
Nếu bạn mới làm về affiliate marketing hay đã làm được vài tháng mà không bán được hàng thì có thể bạn đang mắc các sai lầm cơ bản trong affiliate marketing mà mình đề cập đến trong bài viết này.
Chỉ quan tâm đến bán hàng mà không xây dựng sự tin tưởng đối với khách hàng.
Nhiều bạn mới bắt đầu làm affiliate thường chỉ quan tâm đến làm thế nào để bán được hàng một cách nhanh chóng nhất có thể.
Họ tìm 1 nền tảng hay một nhà cung cấp nào đó để đăng ký làm publisher. Sau đó lấy link affiliate đi chia sẻ trên khắp các diễn đàn, group mạng xã hội.
Chính tư duy bán hàng nhanh đó làm cho họ không bán được hàng. Tại sao ư?
Thử tưởng tượng bạn gặp 1 người lạ chưa từng gặp mặt hay quen biết trước đây và người đó đưa cho bạn 1 chiếc điện thoại và mồi chài bạn mua chiếc điện thoại đó. Cho dù cái điện thoại đó nhìn đẹp đến mấy, giá rẻ và người bán có giới thiệu hay đến mấy thì bạn có chịu mua không.
Bản thân mình thì không vì mình chẳng biết người bán là ai? Liệu họ có lừa mình không, sản phẩm có thực sự chất lượng như lời quảng cáo? Nhìn bên ngoài thì đẹp nhưng ai biết được bên trong nó như thế nào? Nếu có xảy ra vấn đề gì với sản phẩm hoặc đổi trả hàng thì biết tìm họ ở đâu?
Đó là mua bán thông qua giao dịch trực tiếp người với người còn như vậy thì thử hỏi bạn bán hàng online mà khách hàng không biết bạn là ai thì họ có dám mua hàng của bạn không.
Do vậy bạn cần phải xây dựng sự tin tưởng của khách hàng đối với bạn bằng cách phát triển thương hiệu cá nhân của mình. Khi bạn đã có thương hiệu cá nhân, được nhiều người biết đến thì bán sản phẩm gì cũng trở thành rất dễ dàng.
Việc xây dựng thương hiệu cá nhân được bắt đầu từ việc bạn giúp đỡ những người khác đang gặp khó khăn trong lĩnh vực mà bạn tiếp thị. Bạn có thể giúp đỡ họ trên Facebook, website, Youtube, email và các nền tảng mạng xã hội khác.
Giúp bằng cách nào ư? Ví dụ bạn đang tiếp thị mặt hàng điện thoại, máy tính và phụ kiện. Có rất nhiều gặp khó khăn khi mới bắt đầu sử dụng máy tính như: không biết tắt nguồn ở đâu, không biết sử dụng các phím tắt, gặp sự cố với bản quyền Windows, lỗi win,… và họ thường mang những thắc mắc của họ hỏi trên các group mạng xã hội hoặc google search. Việc bạn cần làm là giải đáp, giúp đỡ họ giúp họ khắc phục những sự cố không mong muốn đó.
Hoặc bạn có thể chia sẻ những kiến thức mà bạn biết: sử dụng laptop như thế nào để kéo dài tuổi thọ của link kiện, nên mua laptop hay pc, vệ sinh laptop, tự thay linh kiện máy tính,.. lên website, blog của bạn.
Khi bạn giúp đỡ khách hàng càng nhiều thì họ sẽ càng tin tưởng bạn hơn, và khi bạn bán hàng thì họ sẵn sàng mua mà không phải suy nghĩ hay đắn đo nhiều nữa vì họ biết rằng bạn sẽ không lừa dối họ.
Không có website
Chi phí bỏ ra để có 1 website là một trở ngại mà nhiều người mới bắt đầu không muốn sở hữu nó. Để có 1 website thì bạn cần số tiền khoảng 1 triệu đồng để mua hosting và domain. Nếu bạn biết wordpress thì bạn có thể tiết kiệm được khoản tiền để thuê lập trình viên hoặc công ty thiết kế website.
Vậy tại sao website lại quan trọng? Vì nó mang lại lưu lượng truy cập thụ động đến website của bạn. Lưu lượng truy cập thụ động là lượng khách hàng chủ động tiếp cận bạn khi họ cần đến giải pháp về sản phẩm.
Ví dụ nếu bạn chỉ đăng bài hoặc các sản phẩm lên các diễn đàn, mạng xã hội, email thì là bạn đang chủ động tìm kiếm khách hàng. Cách làm này khá mất công mà không mang lại hiệu quả cao.
Khi khách hàng gặp phải một vấn đề nào đó, họ sẽ sử dụng đến công cụ tìm kiếm như google search chẳng hạn. Nếu website của bạn hiển thị trong top đầu tìm kiếm thì họ sẽ truy cập vào website của bạn để tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề mà mình gặp phải. Nếu họ thấy sản phẩm của bạn đáp ứng được nhu cầu của họ thì rất có thể họ sẽ bỏ tiền để mua nó.
Ngoài ra website còn làm tăng độ tin cậy của khách hàng với bạn, vì ít nhất bạn cũng đã bỏ tiền ra để đầu tư.
Một số chức năng khác của website với kiếm tiền online bạn có thể tham khảo thêm tại đây.
Càng nhiều traffic (lưu lượng truy cập website) thì càng bán được nhiều hàng
Càng nhiều lượt truy cập vào website của bạn càng tốt. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng bạn có thể bán được nhiều hàng hơn.
Giả sử bạn đăng 1 bài viết về 1 tin rất hot trên mạng được nhiều người quan tâm. Rất nhiều người truy cập vào website của bạn để đọc bài viết. Nhưng cái họ quan tâm chỉ là tin tức kia chứ chẳng thèm đếm xỉa đến sản phẩm của bạn, cho dù bạn có cố chèn nó vào bài viết của mình. Vì cái bạn bán chẳng liên quan gì đến bài báo kia cả.
Mục tiêu mà bạn hướng đến không phải là tất cả mọi người truy cập website của bạn mà là tập những khách hàng tiềm năng. Khách hàng tiềm năng là người mà đang quan tâm đến sản phẩm mà bạn đang tiếp thị và họ có khả năng chi trả để mua nó.
Bạn có thể tìm thấy những khách hàng tiềm năng của mình trên các group mạng xã hội, Youtube các diễn đàn website,…
SEO website là chiến lược lâu dài để thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng.
Chọn nhà cung cấp không uy tín hoặc yêu cầu quá khắt khe.
Chọn đúng nơi cung cấp sản phẩm tiếp thị là bước đầu tiên và quan trọng nhất của bạn trong công việc affiliate marketing.
Một số bạn mới thường bị thu hút bởi mức hoa hồng mà một số công ty hoặc mạng tiếp thị đưa ra mà lại không tìm hiểu xem nhà cung cấp đó có uy tín hay không.
Nếu bạn chọn phải nhà cung cấp rởm thì coi như bạn làm không công cho họ, thậm chí còn bị lừa mất tiền oan.
Bạn nên thận trọng với những affiliate network mà bắt phải nạp tiền cọc trước khi tham gia vào mạng lưới tiếp thị của họ.
Ngoài việc lừa đảo thì bạn cũng nên tìm hiểu chính sách thanh toán và trả thưởng của họ. Một số công ty phải mất vài tháng để duyệt hoa hồng bạn nhận được. Các công ty nước ngoài thì chỉ thanh toán qua Visa hoặc Paypal do vậy yêu cầu bạn phải có tài khoản paypal thì mới có thể nhận được tiền.
Một số công ty lại có chính sách xét duyệt hoa hông rất khắt khe, yêu cầu các publisher (người tiếp thị) phải làm theo nhiều quy trình xác minh phức tạp.
Ở Việt Nam có các affiliate network uy tín như: Accesstrade, AdFlex, MasOffer, Civi,…
Lười thực hành, sợ thất bại
Nhiều bạn tham gia đầu tư rất nhiều vào các khóa học đắt tiền trên mạng hoặc mua- đọc rất nhiều sách, tham dự nhiều hội thảo của các diễn giả nổi tiếng trong lĩnh vực affiliate marketing nhưng vẫn không mang lại hiệu quả.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do bạn học mà không thực hành nó, không biết vận dụng các kiến thức học được vào thực tế.
Bởi khi làm con người ta thường nghĩ đến những thất bại. Họ sợ phải làm việc 1 vài tháng hoặc 1 năm trời mà cuối cùng không thu lại được gì. Mỗi khi gặp khó khăn họ đổ lỗi tại mình không hợp với công việc, cho rằng mình không có năng khiếu và không thể làm được công việc này. Do vậy rất nhiều người đã bỏ dở cộng việc chỉ sau vài tuần làm việc.
Nhưng không ai sinh ra mà đã giỏi cả, tất cả đề phải qua quá trình học tập, rèn luyện và rút kinh nghiệm. Để có được thu nhập bền vững với affiliate marketing, bạn phải không ngừng học tập, thực hành, thậm chí đánh đổi bằng thời gian, tiền bạc và những thứ mình yêu thích. Đôi khi cũng phải biết chấp nhận rủi ro cao trong công việc.
Trong mùa dịch như hiện nay, có rất nhiều người tham gia vào làm affiliate do vậy tính cạnh tranh rất cao. Nếu bạn không nỗ lực thì bạn sẽ khó có thể tồn tại được trong lĩnh vưc này.
Tiếp thị trên một thị trường chung chung rộng lớn.
Đây cũng là một sai lầm mà các newbie hay gặp phải. Họ tiếp thị nhiều loại sản phẩm chẳng liên quan gì đến nhau cùng 1 lúc cho mọi loại đối tượng mà họ tiếp cận được. Nguyên nhân là do họ không có kiến thức chuyên sâu vào 1 lĩnh vực hoặc làm việc theo mức hoa hồng được trả hay chủ đề được nhiều người quan tâm.
Vậy tại sao chỉ nên tập trung vào 1 thị trường ngách? Như mình đã đề cập ở trên, chỉ khi khách hàng cảm thấy tin tưởng bạn thì họ mới mua hàng từ bạn. Bạn phải giúp đỡ họ thật nhiều để lấy được sự tìn tưởng của họ. Nhưng nếu bạn không có kiến thức chuyên sâu về các vấn đề xoay quanh các sản phẩm mà bạn tiếp thị thì làm sao có thể giúp đỡ họ? Làm sao mà họ có thể tin tưởng bạn.
Thêm vào đó một thị trường chung chung sẽ có rất nhiều người làm, do vậy cạnh tranh rất gay gắt. Nếu bạn là người mới thì khả năng cao là bạn sẽ “không có cửa” ở trên thị trường này.
Hãy nhớ rằng chỉ khi bạn cung cấp thật nhiều giá trị thì mới mong nhận lại được tiền.