Những điều cần lưu ý khi chọn chương trình tiếp thị liên kết

Trong thời buổi internet phát triển như hiện nay, hàng loạt các công ty kinh doanh trên internet đưa ra các chính sách tiếp thị liên kết cho sản phẩm của mình. Các mạng tiếp thị liên kết cũng mọc lên ngày càng nhiều hơn.

Bạn là một người mới bước chân vào lĩnh vực kiếm tiền trên internet và đang phân vân giữa hàng nghìn chương trình tiếp thị liên kết khác nhau?

Trong bài viết này mình sẽ đề cập đến một số tiêu chí cần cân nhắc trước khi chọn cho mình một chương trình tiếp thị liên kết để bạn có thể gắn bó lâu dài hay ít nhất cũng không bị lừa đảo.

1. Mức độ uy tín của sản phẩm và nhà cung cấp

Chất lượng của sản phẩm luôn là yếu tố số 1 khi chọn tham gia một chương trình tiếp thị liên kết.

Chất lượng sản phẩm kém không chỉ gây khó khăn cho việc bán hàng mà còn liên quan đến vấn đề về pháp lý, thậm chí còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng.

Mặc dù biết vậy nhưng nhiều người vẫn quảng cáo cho những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất sứ, không được cấp phép hoạt động bởi vì hoa hồng của những sản phẩm này là cực kì cao (có thể lên đến vài triệu đồng trên 1 sản phẩm bán được).

Vậy làm thế nào để biết được sản phẩm có chính hãng không? Bạn có thể dựa vào các tiêu chí sau để đánh giá chất lượng sản phẩm:

  • Sản phẩm đã tồn tại lâu đời trên thị trường.
  • Sản phẩm được cấp phép bởi các cơ quan có thẩm quyền
  • Sản phẩm được cộng đồng công nhận.
  • Sản phẩm được cung cấp bởi các nhà cung cấp uy tín

Vậy làm thế nào để biết được nhà cung cấp có uy tín hay không.

Bạn hãy để ý thông tin nhà cung cấp, doanh nghiệp trên website hoặc kênh thông tin chính thức của họ xem có địa chỉ, phương thức liên hệ rõ ràng không, có giấy phép kinh doanh hay không.

thông tin về chương trình tiếp thị liên kết trên accesstrade

Thông tin về mạng tiếp thị Accesstrade

Bạn nên tìm hiểu quá trình hoạt động của nhà cung cấp từ trước đến nay xem họ có bị vướng vào các vấn đề pháp lý nào không, có tuân thủ đúng pháp luật không?

Bạn cũng có thể tham khảo các bài đánh giá của những người đã tham gia vào chương trình tiếp thị liên kết cho nhà cung cấp này rồi xem trải nghiệm của họ như thế nào. Bạn có thể tìm kiếm các đánh giá này trên Google, Facebook, Youtube,…

Tóm lại lựa chọn sản phẩm chất lượng, nhà cung cấp (hoặc mạng tiếp thị) uy tín là tiêu chí hàng đầu để lựa chọn 1 chương trình tiếp thi liên kết.

2. Sản phẩm có mức hoa hồng cao

hoa hồng của chương trình tiếp thị trên Adflex

Hoa hồng trên Adflex thuộc top những mạng tiếp thị có hoa hồng cao nhất

Tất nhiên cùng 1 loại sản phẩm bán được số lượng như nhau thì hoa hồng cao hơn sẽ gia tăng thu nhập của bạn. Bạn có thể bị thua lỗ nếu bạn đang chạy quảng cáo với những sản phẩm có thị trường hẹp nhưng mức hoa hồng lại thấp. Bởi chi phí quảng cáo là rất cao và cạnh tranh thì ngày càng trở lên gay gắt.

Hoa hồng của sản phẩm là 1 trong những tiêu chí hàng đầu để lựa chọn 1 chương trình tiếp thị liên kết.

Đối với những sản phẩm hoa hồng tính theo phần trăm thì bạn cần xem lại xem có bị giới hạn hoa hồng nhận được hay không. Ví dụ đối với sản phẩm của Lazada trên Accesstrade, mặt hàng máy tính có mức hoa hồng là 2.4% cho khách hàng cũ. Thì nếu khách hàng mua chiếc máy tính 6 triệu bạn sẽ nhận được hoa hồng là: 6tr *2.4%=144k.

Nhưng nếu khách hàng mua chiếc máy tính 10 triệu hay 20 triệu thì bạn vẫn cũng chỉ nhận được 144k vì đây là mức hoa hồng tối đa trên mỗi sản phẩm mà nhà cung cấp có thể trả cho bạn.

mức hoa hồng tối đa của lazada trên accesstrade

3. Tỉ lệ chuyển đổi

Là số lượng người mua hàng trên số lượng click. Mình không nói đến tỉ lệ chuyển đổi của bạn hay riêng một ai mà là tỉ lệ chuyển đổi trung bình của sản phẩm đó. Dựa vào tỉ lệ chuyển đổi này, bạn có thể biết được thái độ của khách hàng đối với sản phẩm như thế nào.

Nếu trung bình cứ 1000 lượt click mà chỉ có 1, 2 lượt mua hàng thì chứng tỏ chất lượng sản phẩm hoặc chương trình tiếp thị liên kết có vấn đề. Nếu bạn đầu tư chạy quảng cáo vào những sản phẩm có tỉ lệ chuyển đổi thấp thì khả năng thua lỗ là rất cao.

Như vậy, chọn chương trình tiếp thị có tỉ lệ chuyển đổi trung bình cao cũng là một trong những yếu tố mà bạn cần cân nhắc.

4. Tỉ lệ lost đơn

Là tỉ lệ giữa số lượng đơn hàng bị mất (không được ghi nhận hoa hồng) so với hoa hồng thực tế đáng lẽ sẽ nhận được. Ví dụ: bạn tiếp thị cho shopee bán được 10 sản phẩm thành công và không bị hoàn trả hàng theo thời gian quy định nhưng bạn chỉ nhận được hoa hồng từ 8 sản phẩm bán được. Trường hợp này được gọi là lost đơn (mất đơn hàng).

Một số nhà cung cấp thì duyệt hoa hồng theo cách thủ công (tức là dùng máy chạy bằng cơm :)) có những nhà cung cấp thì hoa hồng lại được duyệt tự động. Nhưng cho dù là con người hay máy móc thì chắc chắn không thể chính xác 100% được và tỉ lệ cao hay thấp còn tùy thuộc vào từng hệ thống.

Bạn nên chọn sản phẩm tiếp thị có tỉ lệ lost đơn thấp. Tuy nhiên tiêu chí này cũng không quá quan trọng vì khi bị mất đơn, bạn có thể báo lại với bộ phận hỗ trợ để được giải quyết.

5. Loại chiến dịch

Nhiều bạn thắc mắc khi tham gia một chương trình tiếp thị liên kết rằng đã giới thiệu được khách hàng đặt hàng qua link tiếp thị của mình nhưng lại không được cộng tiền hoa hồng.

Một trong những nguyên nhân đó là do bạn đã không để ý loại chiến dịch mà mình tham gia. Nếu loại là CPO – Cost Per Oder thì bạn sẽ nhận được hoa hồng khi khách hàng đặt hàng, còn nếu là CPS Cost Per Sale thì bạn sẽ nhận được hoa hồng khi bán sản phẩm thành công, tức là sản phẩm được giao đến tận tay khách hàng và không bị đổi trả.

Về cơ bản thì các chương trình tiếp thị liên kết chủ yếu được phân ra thành CPO và CPS, ngoài ra còn có CPL- Cost Per Lead, CPA – Cost Per Action, CPI – Cost Per Install…

Các loại chiến dịch CPA (trả hoa hồng cho mỗi hành động) và CPI (trả hoa hồng cho mỗi lượt cài đặt ứng dụng thành công) thường gặp khi bạn chạy các chương trình tiếp thị liên kết về mảng tài chính và bảo hiểm.

 

Loại chiến dịch CPS trên Masoffer

Loại chiến dịch CPS của Nguyễn Kim trên Masoffer

Hầu hết các chương trình tiếp thị liên kết đều ghi rõ loại chiến dịch, nếu không thấy ghi, bạn có thể liên hệ lại với nhà cung cấp hoặc mạng tiếp thị đó để hỏi rõ để có chiến lược tiếp thị phù hợp.

6. Cookie

Thuật ngữ này khá khó hiểu đối với những bạn mới. Là 1 người tiếp thị, bạn chỉ cần hiểu cookie một cách đơn giản, đó là những dấu vết được lưu trên trình duyệt của người dùng khi click vào đường link tiếp thị của bạn để nhà cung cấp xác định được ai là người đã giới thiệu đơn hàng này và trả hoa hồng cho họ.

Khi khách hàng click vào đường link tiếp thị của bạn nhưng không mua hàng ngay mà một vài hôm sau mới quay lại mua hàng. Lần truy cập sau khách hàng vào thẳng trang web của sản phẩm mà không qua link tiếp thị của bạn. Tuy nhiên trong trường hợp này bạn vẫn có thể được ghi nhận hoa hồng.

Bởi trong lần click đầu tiên thì trên trình duyệt người dùng đã lưu lại cookie tương ứng với link tiếp thị của bạn. Lần sau khi khách hàng truy cập vào trang sản phẩm, bất kể có thông qua link tiếp thị hay không thì cookie cũng đều được gửi đến máy chủ. Do vậy mà nhà cung cấp biết được bạn là người đã giới thiệu cho sản phẩm này.

Một số thông số về cookie bạn cần lưu ý khi chọn 1 chương trình tiếp thị liên kết:

  • Thời hạn cookie. Thường là 30 ngày, có những mạng tiếp thị hoặc nhà cung cấp kéo dài lên đến 60 hoặc 90 ngày. Tức là sau khoảng thời gian này, nếu khách hàng không click vào link tiếp thị của bạn thì bạn sẽ không nhận được hoa hồng. Do vậy bạn nên ưu tiên chọn những chương trình tiếp thị liên kết có thời hạn cookie dài.

cookie 30 ngày trên Masoffer

 

  • Ghi đè cookie: khi khách hàng click vào link tiếp thị của bạn rồi lại click vào một đường link tiếp thị của một người khác thì cookie trên trình duyệt sẽ được lưu cho người sau cùng. Nghĩa là nếu khách hàng đó quay trở lại mua hàng thì hoa hồng sẽ tính cho người mà khách hàng click sau chứ không phải bạn. Quá trình này được gọi là ghi đè cookie. Tùy vào loại sản phẩm và hình thức tiếp thị của bạn mà nên chọn chiến dịch tiếp thị có ghi đè cookie hay không.
  • Người dùng hoàn toàn có thể xóa cookie. Nếu người dùng xóa cookie chứa thông tin tiếp thị của bạn thì đồng nghĩa với việc bạn sẽ không nhận được hoa hồng nếu khách hàng mua hàng mà không click vào link tiếp thị của bạn. Điều này cũng xảy ra tương tự nếu khách hàng mua hàng bằng trình duyệt ẩn danh. Vì ở chế độ này cookie cũng sẽ không được thiết lập.

7. Hạn mức thanh toán tối thiểu

Hạn mức thanh toán là số tiền hoa hồng tối thiểu mà bạn phải đạt được để có thể rút về tài khoản của mình. Con số này thường dao động từ vài trăm nghìn đến 1 triệu ở thị trường Việt Nam, nếu ở nước ngoài có thể sẽ cao hơn.

hạn mức thanh toán tối thiểu trên Azdigi

Hạn mức thanh toán tối thiểu là 1 triệu đồng trên Azdigi

Sở dĩ các nhà phân phối hoặc các mạng tiếp thị liên kết đặt ra hạn mức rút tiền tối thiểu là giảm mức phí chuyển khoản ngân hàng và tránh spam. Một lý do quan trọng nữa là để giữ chân những người làm tiếp thị gắn bó với họ lâu hơn.

Đối với tiêu chí này thì tất nhiên bạn sẽ chọn chương trình nào có hạn mức thanh toán tối thiểu càng thấp càng tốt. Đặc biệt nếu bạn đang chạy quảng cáo thì hạn mức rút thấp sẽ giúp bạn xoay vòng vốn nhanh, không bị gián đoạn vì thiếu vốn. Hoặc nếu bạn đang là 1 newbie thì những đồng tiền đầu tiên mà bạn nhận được sẽ tạo ra động lực rất lớn cho bạn trên con đường tạo thu nhập bền vững với tiếp thị liên kết.

8. Hệ thống theo dõi, quản lý thống kê rõ ràng, minh bạch.

Bước đo lường, kiểm tra và tối ưu chiến dịch là một bước không thể thiếu khi làm tiếp thị liên kết. Bạn sẽ cần phải theo dõi các link của mình xem khách hàng hay click vào thời điểm nào, mua hàng thời điểm nào, tỉ lệ mua hàng/ click là bao nhiêu, tỉ lệ đổi trả là bao nhiêu,…

Từ những thống kê này bạn sẽ đưa ra những giải pháp để tối ưu cho chiến dịch tiếp thị liên kết của mình.

Một giao diện quản trị tốt là khi những người mới làm tiếp thị nhìn vào họ sẽ biết được đâu là chỗ lấy link affiliate, đâu là chỗ xem thống kê và đâu là chỗ liên hệ khi cần hỗ trợ.

giao diện quản lý của accesstrade

Giao diện Dashboard của Accesstrade

9. Chương trình khuyến mại

chương trình khuyến mãi dịp black friday trên unica

Chương trình khuyến mãi Black Friday trên Unica

Chương trình khuyến mại ở đây ý mình nói là dành cho khách hàng chứ không phải là cho những người làm tiếp thị liên kết.

Khách hàng luôn thích được giảm giá hoặc tặng kèm một món quà nào đó khi mua sản phẩm. Do vậy nếu nhà cung cấp có chương trình khuyến mãi thường xuyên thì cơ hội bán được hàng của bạn sẽ tăng lên.

Để biết sản phẩm mà bạn định tiếp thị có khuyến mại thường xuyên không, bạn có thể xem các chương trình khuyến mại của nó trước đó. Nếu từ trước tới giờ chưa có lần khuyến mãi nào thì rất có khả năng trong tương lai cũng vậy.

Nếu chương trình tiếp thị liên kết có mã độc quyền cho những người làm tiếp thị thì càng tốt. Ví dụ: khách hàng sẽ được giảm giá 20% giá trị sản phẩm khi họ mua qua link tiếp thị của bạn. Thường thì các chương trình khuyến mãi độc quyền này chỉ dành cho những người có sức ảnh hưởng nhất đinh, hoặc đã gắn bó lâu dài với sản phẩm. Tuy nhiên vẫn có các chương trình tiếp thị liên kết có mã độc quyền dành cho cả những Publisher mới.

10. Quy định về traffic

Traffic là lưu lượng truy cập trên kênh mà bạn quảng cáo. Ví dụ bạn tiếp thị sản phẩm bằng việc đăng bài Facebook thì traffic là số lượng người đến đọc các bài viết đó của bạn. Nếu bạn lựa chọn 1 nhà cung cấp không chấp nhận traffic đến từ nguồn này thì hoa hồng của bạn cũng sẽ không được ghi nhận.

Dưới đây là bảng quy định về traffic của shopee trên Accesstrade.

quy định và traffic của chương trình tiếp thị shopee trên accesstrade

Quy định về traffic của Shopee trên Accesstrade

Bạn nên xem xét các loại traffic mà chương trình tiếp thị liên kết cho phép để tránh tình trạng làm việc không công.

Kết luận

Trên đây là những tiêu chí mà mình thấy bạn nên cân nhắc trước khi chọn một chương trình tiếp thị liên kết. Nếu bạn thấy còn thiếu sót thì có thể bổ sung bằng cách để lại bình luận phía bên dưới để mình hoàn thiện bài viết hơn nhé.

Reply